•    
  •   

VĂN PHÒNG VIỆT NAM

RITSUMEI VIỆT NAM

Phỏng vấn sinh viên: "Một trong những vấn đề mà em chú ý nhất là hiện tượng già hóa dân số ở Việt Nam, và hệ quả khôn lường mà nó có thể để lại trong tương lai".

Họ tên: Vũ Công Thành

Khoa: Khoa Khoa học Chính sách (College of Policy Science)

Sinh viên năm thứ 1

Trường THPT: THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam

Bạn đã tìm hiểu về Đại học Ritsumeikan qua đâu? 
Bạn đã tìm hiểu về Đại học Ritsumeikan qua đâu?

Thông qua người thân ạ. Em có 1 người anh họ hiện đang học năm 2 ở Ritsumeikan. Mẹ của anh có giới thiệu về trường cho em. Từ đó em bắt đầu tìm hiểu về Ritsumeikan và các chương trình học của trường.

Lý do để bạn lựa chọn học chương trình CRPS của Đại học Ritsumeikan là gì? 
Lý do để bạn lựa chọn học chương trình CRPS của Đại học Ritsumeikan là gì?

Về lý do chủ quan, em muốn trải nghiệm một môi trường học tập mới lạ. Em có quen và chơi với rất nhiều bạn có dự định học tập ở nước ngoài. Đại đa số mọi người đều chọn theo học ở những nước chuyên nói tiếng Anh như Mỹ, Anh, Úc,… Cá nhân em không muốn gò bó bởi những lựa chọn kia, và muốn chọn một môi trường nào đấy mới và khác biệt hơn. Vài năm về trước, em có dịp cùng gia đình đi Nhật du lịch và em rất bất ngờ về đất nước này. Trước khi được sang Nhật, em không tìm hiểu quá kỹ nên cũng không biết nhiều về đất nước này. Lần đầu được sang Nhật và đi vòng quanh quốc gia này, em rất ngỡ ngàng trước văn hóa của Nhật Bản. Khác với các nước mà em có cơ hội được thăm quan, Nhật Bản có sự hòa quyện của truyền thống và hiện đại, và điều này được thể hiện ở rất nhiều phương diện như ẩm thực, kiến trúc,… Chính nhờ sự độc đáo này đã thôi thúc em lựa chọn và tìm hiểu thêm về đất nước. Vì là một học sinh chuyên sử, sau khi đi du lịch và có hứng thú với Nhật Bản, em bắt đầu đọc về lịch sử của quốc gia này. Điều này cũng góp phần thúc đẩy em chọn theo học ở Nhật. Qua tìm hiểu, em thấy bản thân rất hứng thú với nhiều sự kiện lịch sử như Minh Trị Duy Tân hay là cải cách đất nước sau thế chiến thứ hai. Em nghĩ rằng nếu bản thân học và sinh sống tại Nhật Bản thì sẽ có nhiều cơ hội để tìm tỏi và khám phá lịch sử đất nước hơn.

Xét về lý do khách quan, đó là vì họ hàng của em giới thiệu ở trường. Qua lời giới thiệu, em thấy Ritsumeikan là một môi trường khá là thú vị và em cũng muốn theo học. Vả lại theo lời kể của họ hàng, trường có rất nhiều các chương trình học bổng khác nhau nên em cũng muốn thử sức. Đồng thời, học và sinh sống một mình ở nước ngoài đối với em là một trải nghiệm khá là khó khăn nên em cũng muốn có họ hàng, người thân ở gần để giúp đỡ lẫn nhau. Nếu học ở Ritsumeikan, em sẽ học chung với anh họ và 2 người có thể giúp đỡ lẫn nhau. Cũng qua tìm hiểu, em thấy chương trình CRPS có thể đáp ứng được nguyện vọng bản thân em. Cá nhân em thường xuyên xem tin tức và quan tâm tới các vấn đề xã hội. Một trong những vấn đề mà em chú ý nhất là hiện tượng già hóa dân số ở Việt Nam, và hệ quả khôn lường mà nó có thể để lại trong tương lai. Vì muốn góp sức khắc phục và tìm kiếm giải pháp cho vấn đề nan giải này nên em nghĩ CRPS là ngành học phù hợp nhất.

Cuộc sống sinh viên đại học của bạn hiện tại như thế nào? 
Cuộc sống sinh viên đại học của bạn hiện tại như thế nào?

Nhìn chung thì em hài lòng về cuộc sống sinh viên hiện tại của mình. Em đang sống ở khu ký túc xá OIC International House của trường và theo cảm nhận của em, khu vực này vô cùng tiện nghi. Xung quanh ký túc xá có rất nhiều hàng quán như siêu thị, trung tâm mua sắm, và đặc biệt là ga tàu. Vì vậy nên em không bao giờ lo về việc đi lại hay mua sắm cả. Khu vực ký túc xá cũng rất gần trường, thông thường em chỉ mất khoảng 15 phút đi bộ hoặc 5 phút đạp xe để di chuyển tới trường. Đó cũng là một điểm cộng cho sự tiện nghi.

Về bên trong OIC International House, vì đây là khu ký túc xá quốc tế nên em có dịp được gặp gỡ và giao tiếp với rất nhiều người từ rất nhiều quốc gia khác nhau. Mọi người ở đây rất thân thiện, em cùng các bạn thường tổ chức đi chơi. Dù có nhiều người đã rời ký túc xá nhưng bọn em vẫn giữ liên lạc và đi ăn uống với nhau. Đặc biệt mà nói, các bạn học sinh bản ngữ rất nhiệt tình giúp đỡ em, nên dù bản thân không biết nhiều tiếng Nhật, em cũng không cảm thấy cuộc sống hiện tại quá khó khăn.

Về vấn đề học tập của em, vì đây là năm nhất đại học của em nên có rất nhiều điều bỡ ngỡ. Khác với các cấp học trước, lượng bài tập lớn hơn rất nhiều, thời gian học trong và ngoài trường cũng tăng theo. Chính vì vậy nên đại đa số thời gian biểu của em tập trung vào việc học, thời gian nghỉ ngơi cũng vì vậy mà không nhiều. Tuy nhiên, theo thời gian, em cảm thấy bản thân cũng đã thích ứng được với sự thay đổi này, nên cá nhân cũng bớt áp lực học tập đi.

Chính vì vậy, theo em thấy thì cuộc sống sinh viên đại học của mình hiện tương đối thoải mái và không quá căng thẳng, áp lực.

Trong thời kì dịch Covid-19, việc học online có gây khó khăn gì cho bạn không? 
Trong thời kì dịch Covid-19, việc học online có gây khó khăn gì cho bạn không?

Thời gian vừa rồi, em đã được trải nghiệm cả học online lẫn học offline của trường. Theo cảm nhận của em, việc học online không quá khó khăn như nhiều người nghĩ, mặt khác em thấy thoải mái với hình thức học này.

Khác với học trên trường, thay vì phải dậy sớm, sửa soạn, chuẩn bị đồ ăn sáng thì việc học online nhẹ nhàng hơn. Em có thể dậy muộn hơn và các tiết học online cũng linh hoạt hơn. Nhiều tiết học offline, thay vì học trực tiếp trên các nền tảng như Zoom, thì giáo viên có thể gửi video để học sinh có thể tự xem và tự học theo giờ mà em cảm thấy phừ hợp nhất.

Bên cạnh những mặt tích cực, việc học online cũng có một số khuyết điểm mà em không thể không kể đến. Mặt tiêu cực nhất theo em thấy đó là lượng bài tập khi phải học online. Tại nhiều khóa học online, học sinh luôn có bài tập hàng tuần và lượng bài thường rất lớn. Tuy nhiên, theo lời kể của các anh chị khóa trên, nếu học offline thì thay vì làm bài tập hàng tuần thì học sinh chỉ cần làm báo cáo cuối kỳ. Tuy học online đồng nghĩa với lượng bài tập nặng hơn, em nghĩ nếu cá nhân quản lý tốt thời gian như làm bài tập sớm nhất có thể và giảm thời gian các hoạt động khác thì việc online sẽ thoải mái hơn và dễ chịu hơn rất nhiều.

Mục tiêu trong 4 năm đại học của bạn là gì? (bằng cấp muốn đạt được hoặc những kiến thức, kinh nghiệm muốn thu được…)  
Mục tiêu trong 4 năm đại học của bạn là gì? (bằng cấp muốn đạt được hoặc những kiến thức, kinh nghiệm muốn thu được…)

Ngoài việc duy trì học bổng của mình ra thì hiện nay có 3 mục tiêu lớn nhất mà em muốn đạt được sau 4 năm học ở Ritsumeikan.

Mục tiêu đầu tiên mà đó là nâng cao khả năng tiếng Nhật của mình. Cụ thể hơn, em mong có thể đạt được N2 sau khi tốt nghiệp. Trước khi sang Nhật, vốn tiếng Nhật của em gần như bằng không. Hiện nay, trong sinh hoạt, em luôn phải giao tiếp bằng tiếng Anh. Điều này khiến em cảm thấy vô cùng bất tiện vì tiếng Anh không phải ngôn ngữ chuyên dụng ở Nhật, kể cả những người trẻ cũng nói rất ít tiếng Anh. Chính vì vậy mà trong thời gian 4 năm này, em muốn nâng khả năng tiếng Nhật của mình cao nhất có thể để có thể khiến cuộc sống thường ngày dễ giàng hơn.

Mục tiêu thứ hai của em là có thể được thăm quan nhiều địa danh ở Nhật Bản nhất có thể. Tuy trước đây em có dịp được sang và thăm một số địa danh nổi tiếng như chùa vàng Kinkakuji ở Kyoto hay là núi Phú Sĩ, em cảm thấy Nhật Bản còn rất nhiều dịa danh khác mà em vẫn chưa được khám phá. Vì bản thân em cảm thấy rất hứng thú với lịch sử Nhật Bản nên em cũng muốn thăm quan một số di tích lịch sử như mỏ than Hashima hay là ngọn hải đăng Mutsurejima,… Đây đều là những di tích còn sót lại từ cuộc cải cách công nghiệp Minh Trị, và chúng đều thể hiện dấu ấn lịch sử rất lớn.

Mục tiêu cuối cùng và lớn nhất mà em muốn đạt được đó là tích lũy kiến thức nhiều nhất có thể. Như đã nêu bên trên, lý do em theo học ngành CRPS ở Ritsumeikan đó là để có thể sau này góp phần giải quyết các vấn đề xã hội lớn ở Việt Nam, đặc biệt là vấn đề già hóa dân số. Chính vì vậy, nên em mong rằng sau khi tốt nghiệp, bản thân em có thể được trang bị một lượng kiến thức nhất định và có đủ khả năng để tìm ra giải pháp cho những vấn đề nan giải của đất nước.

Dự định trong tương lai sau khi tốt nghiệp của bạn là gì? 
Dự định trong tương lai sau khi tốt nghiệp của bạn là gì?

Thực ra đây là một vấn đề khá là nan giải đối với cá nhân em. Hiện nay, em có rất nhiều dự định khác nhau. Một mặt em muốn sau khi tốt nghiệp sẽ về nước và đi làm. Mặt khác, em lại muốn theo học những cấp cao hơn để có thể có bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Em mong trong thời gian tới, trước khi tốt nghiệp, bản thân em co thể lựa chọn ra con đường mà bản thân hài lòng nhất.

Bạn có kinh nghiệm hay lời khuyên gì muốn chia sẻ với các bạn đang có dự định nộp hồ sơ chương trình CRPS không? 
Bạn có kinh nghiệm hay lời khuyên gì muốn chia sẻ với các bạn đang có dự định nộp hồ sơ chương trình CRPS không?

Cá nhân em cũng không có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề nộp hồ sơ nên không biết có thể đưa ra lời khuyên gì hữu ích cho các bạn không.

Lời khuyên đầu tiên của em cho các bạn khi phải viết luận giới thiệu bản thân để nộp hồ sơ đó là không nên liệt kê, thay vào đó tập trung 1 đến 2 chi tiết quan trọng nhất và phân tích một cách cụ thể. Nhiều người nghĩ là trong bài luận, nếu liệt kê càng nhiều điều thì sẽ càng để lại ấn tượng cho giám khảo. Tuy nhiên, theo em thấy, việc liệt kê lại khiến bản thân lu mờ đi và không để lại ấn tượng gì. Vì các bài luận đều có giới hạn từ, nên việc liệt kê các thành tích hoặc trải nghiệm quá khứ đồng nghĩa với việc không thể giới thiệu và phân tích chúng một cách cặn kẽ được. Thay vào đó, em chỉ khai thác tập trung vào 1 hoặc 2 điểm gì đó của bản thân sẽ để lại nhiều ấn tượng cho giám khảo hơn.

Lời khuyên tiếp theo đó là về vòng phỏng vấn cuối cùng. Thông thường, để chọn học sinh cho các suất học bổng, trường học sẽ có thêm một vòng phỏng vấn. Em nghĩ tâm lý chung của các bạn ở vòng này sẽ là vô cùng hồi hộp và lo lắng, vì ai cũng muốn thể hiện suất xắc nhất có thể để đạt suất học bổng lớn nhất. Do đó, lời khuyên của em là cố gắng giữ bình tĩnh và phát triển ý kiến càng nhiều càng tốt. Khi phỏng vấn, nếu tâm lý không ổn địng và nói vấp nhiều thì chắc chắn sẽ để lại ẩn tượng xấu cho giám khảo. Chính vì vậy, nên cố gắng tự tin, và giữ bình tĩnh nhất có thể. Khi không nghe rõ hoặc không hiểu câu hỏi giám khảo thì thay vì lúng túng thì nên xin phép giám khảo nhắc lại hoặc giải thích câu hỏi. Tiếp đó là khi trả lời câu hỏi, tránh việc trả lời bằng 1 câu đơn, mà cố gắng mở rộng và phát triển câu trả lời. Tuy nhiên, nên để ý tránh trả lời rườm rà vì nó cũng sẽ để lại ấn tượng xấu. Vì giao tiếp bằng tiếng Anh, nên nhiều bạn suy nghĩ rằng nếu sử dụng từ ngữ cao siêu thì sẽ để lại ấn tượng, cá nhân em cho rằng điều quan trọng nhất của ngôn ngữ là sự truyền đạt ý tưởng. Chính vì vậy, nếu chỉ tập trung thể hiện vào các từ ngữ cao siêu mà không thể hiện được rõ tư tưởng của bản thân thì cũng để làm gì vậy. Do đó, các bạn nên cố gắng tập trung vào việc biểu thị ý tưởng của mình một cách rõ ràng nhất có thể.

Đó là toàn bộ lời khuyên mà em có cho những ai dự định nộp hồ sơ chương trình CRPS. Em mong những lời khuyên nêu trên có thể giúp ích cho các bạn, và chúc các bạn may mắn.

<2021037>

"Nếu bạn thích bài viết này, hãy "like" trên Facebook. Chúng tôi sẽ thông báo tới bạn thông tin các sự kiện và hội thảo."