•    
  •   

VĂN PHÒNG VIỆT NAM

RITSUMEI VIỆT NAM

Phỏng vấn sinh viên: “Qua hầu hết các lớp ở trên trường, cũng như cuộc sống trong kí túc xá, em có môi trường hoàn hảo để phát triển không chỉ kĩ năng giao tiếp, mà còn cả kĩ năng sử dụng tiếng Anh học thuật…”

Họ tên: Trần Khánh Linh

Khoa: Khoa học Chính sách – chuyên ngành Nghiên cứu Chính sách Cộng đồng & Khu vực (CRPS)

Sinh viên năm thứ nhất

Trường THPT: Chuyên Ngoại Ngữ - Đại học Ngoại Ngữ - Đại học quốc gia Hà Nội

Bạn đã tìm hiểu về Đại học Ritsumeikan qua đâu? 
Bạn đã tìm hiểu về Đại học Ritsumeikan qua đâu?

Em tìm hiểu trường qua website trường, Japanese Univeristy Fair hai năm 2018, 2019, qua bạn bè, các anh chị tiền bối trong trường THPT và buổi trường đến giới thiệu ở trường THPT của em ạ.

Hoa cẩm tú cầu ở trường 22/6/2021
Hoa cẩm tú cầu ở trường 22/6/2021
Lý do để bạn lựa chọn học chương trình CRPS của Đại học Ritsumeikan là gì? 
Lý do để bạn lựa chọn học chương trình CRPS của Đại học Ritsumeikan là gì?

Em được biết môi trường học giúp đỡ học sinh khá nhiều cùng cơ sở vật chất và thiết bị học tập rất tốt, đặc biệt là campus OIC của ngành CRPS mới được xây cách đây vài năm. Trước, trong và sau quá trình apply, văn phòng trường cũng giúp em khá nhiều trước và trong quá trình apply. Trường và ngành cũng có offer nhiều học bổng, đặc biệt học bổng Mext cho học sinh Đông Nam Á, có cả Việt Nam, khiến em có thể tự lập vào cuộc sống du học mà không cần quá nhiều sự giúp đỡ của bố mẹ. Em cũng thấy trên website trường có ghi chương trình CRPS offer nhiều cơ hội giao lưu với học sinh Nhật và các lớp học tiếng Nhật intensive cũng như được tham gia học cùng học sinh nhật. Điều này hoàn toàn phù hợp với ước mơ chọn Nhật Bản để du học, khi em cũng muốn phát triển thêm khả năng tiếng Nhật của mình và giao lưu hiểu biết thêm về văn hoá hay cách học của sinh viên đại học Nhật.

Linh và các bạn CRPS người Việt đi du lịch cùng nhau
Linh và các bạn CRPS người Việt đi du lịch cùng nhau
Cuộc sống sinh viên đại học của bạn hiện tại như thế nào? 
Cuộc sống sinh viên đại học của bạn hiện tại như thế nào?

Em sống ở trong kí túc xá của trường, OIC International House, nên có cơ hội được giao lưu khá nhiều với các học sinh quốc tế chuyên ngành CRPS, học sinh nhật RM (các bạn, anh chị học sinh người Nhật sống cùng trong kí túc xá để giúp đỡ học sinh quốc tế trong cuộc sống hàng ngày hay các thủ tục giấy tờ ở Nhật), học sinh Nhật bình thường khác cũng như học sinh quốc tế cao học, đại học của các ngành khác. Mọi người đến từ nhiều quốc gia đa dạng như châu Á hay châu Âu nên trao đổi văn hoá khá là thú vị. Trong kí túc xá sống cũng khá vui, nhiều hoạt động như tháng 11 năm ngoái bọn em có chuyến đi đến thành phố Kyoto, hay tổ chức sinh nhật cho thành viên trong kí túc xá, giao lưu văn hoá qua các buổi nấu ăn tối đơn giản, hay các dịp lễ đặc biệt như Tết, Giáng sinh,…

Vì sống một mình ở Nhật nên giấy tờ tuỳ thân hay các thủ tục như hợp đồng kí túc xá, điện thoại, thẻ credit card, bảo hiểm,… em đều phải tự làm và giúp đỡ các bạn đi cùng bởi em biết tiếng Nhật. Cũng rất may nhờ có sự giúp đỡ của các anh chị RM người Nhật trong kí túc xá, em cũng dần quen với các thủ tục hơn và không còn quá bỡ ngỡ với các chữ Kanji.

Đi ăn cùng hai anh RM người Nhật thân nhất trong kí túc xá
Đi ăn cùng hai anh RM người Nhật thân nhất trong kí túc xá
Nấu đồ ăn Việt cho các bạn học sinh quốc tế
Nấu đồ ăn Việt cho các bạn học sinh quốc tế

Ở trên trường em không chỉ đi học mà còn tham gia các hoạt động ngoại khoá, và cả câu lạc bộ của trường. Hiện em đang tham gia câu lạc bộ Kansai Wall Street (277 thành viên), thể loại hiphop với số lượng thành viên hiện đang tham gia là 85 học sinh, đến từ không chỉ trường Ritsumeikan OIC mà còn các campus khác và cả các học sinh đến từ trường đại học khác ở vùng lân cận. Mặc dù vì Covid nên bọn em không có quá nhiều hoạt động, nhưng mọi người vẫn cố gắng giữ gìn các luật của trường như đeo khẩu trang, giãn cách 2m và em cũng đã được đi diễn 2 lần. Nếu tình hình Covid quá khó khăn như hiện nay, câu lạc bộ vẫn có các hoạt động như tập nhảy online khoảng 2 tuần 1 lần.

Linh và câu lạc bộ nhảy biểu  diễn chào mừng tân học sinh 26/5
Linh và câu lạc bộ nhảy biểu diễn chào mừng tân học sinh 26/5

Câu lạc bộ hầu hết đều là người Nhật, chỉ có em duy nhất là người nước ngoài nên về mặt ngôn ngữ giao tiếp em cũng phải cố gắng khá nhiều và làm bạn với mọi người. Tuy nhiên mọi người cũng khá thân thiện và giúp đỡ em khá nhiều nên em cũng đạt được một trong những mục tiêu của bản thân khi đi du học, là được tham gia câu lạc bộ và sống như một học sinh Nhật Bản.

Trong quá trình sống, em vừa dùng cả tiếng Anh khi học các môn chính, và giao lưu với học sinh quốc tế trong kí túc xá hay khoa, đồng thời dùng cả tiếng Nhật trong cuộc sống hàng ngày. Em cảm thấy dù không biết hay biết tiếng Nhật từ trước, sống ở Nhật tạo cho em điều kiện rất nhiều để phát triển khả năng ngôn ngữ của bản thân. Từ những việc hàng ngày như chào mọi người, đi siêu thị với những câu hướng dẫn hay thủ tục đơn giản, và cả những chữ trên biển báo ngoài đường, mỗi chúng em đều quen dần và học thêm được những từ mới.

Em học ở trên trường khoảng 70% là các lớp tiếng Anh, nhưng em cũng đặt mục tiêu cho bản thân để phát triển cả khả năng tiếng Nhật của bản thân. Bởi vậy, cũng nhờ chuyên ngành CRPS offer cho em khá nhiều cơ hội, em được học lớp tiếng Nhật cùng với các bạn du học sinh học bằng tiếng Nhật ở khoa Kinh tế, hoặc được học các lớp seminar cùng với học sinh Nhật. Mặc dù có lớp 35 học sinh là học sinh Nhật, và mỗi em là học sinh quốc tế, giáo viên và các bạn, anh chị học sinh cũng giúp đỡ em rất nhiều. Em thực sự cảm thấy mình là một sinh viên ở một đại học Nhật.

Ăn giáng sinh cùng mọi người trong kí túc xá
Ăn giáng sinh cùng mọi người trong kí túc xá
Tổ chức sinh nhật mọi người trong kí túc xá
Tổ chức sinh nhật mọi người trong kí túc xá
Trong thời kì dịch Covid-19, việc học online có gây khó khăn gì cho bạn không? 
Trong thời kì dịch Covid-19, việc học online có gây khó khăn gì cho bạn không?

Bởi hầu hết các lớp đều học online nên em cũng thi thoảng gặp phải các vấn đề về mạng hay máy tính, và một vài các bạn khác cũng gặp trường hợp tương tự. Em nghĩ đây là điều không thể tránh khỏi, nhưng cũng nhờ có mạng mà dù có Covid bọn em vẫn có thể tiếp tục học đại học với cả những bạn ở Hàn Quốc, Trung Quốc chưa có cơ hội sang Nhật.

Bên cạnh đó, em cũng gặp khá nhiều khó khăn trong cơ hội giao lưu với bạn bè, tiền bối hay gặp thầy cô. Bởi rất ít lớp học trực tiếp offline nên có những thầy cô em học cả kì em vẫn chưa có cơ hội gặp, hoặc có những bạn cùng lớp, như em nói ở trên, vì còn ở quốc gia của mình nên em vẫn chỉ có thể nói chuyện hoặc gặp trên Zoom.

Cũng vì học online nên em khá tiết kiệm được thời gian di chuyển hay tiền ăn ở trường. Nhưng cũng vì vậy, quỹ thời gian tự học của bản thân tăng lên khá nhiều, và cũng khá khó để kiểm soát thời gian tự học của bản thân. Em nghĩ điều này dù khá khó khăn nhưng sẽ là kĩ năng khá quan trọng ngay cả bây giờ và trong tương lai.

Em cũng có nói chuyện với các anh chị tiền bối hay giáo viên, và mọi người có cảm thấy vì học online nên số lượng bài tập nhiều lên tương đối. Kì đầu tiên em đã khá vất vả với bài tập, tuy nhiên chắc cũng vì một phần chưa quen với cách học của học sinh đại học nên còn hơi bỡ ngỡ. Bây giờ em đã khá quen với lượng bài tập, mặc dù em đã tăng số tín chỉ của mình lên.

Khai giảng tháng 4 cho tân học sinh Nhật (khai giảng đầu tiên offline của học sinh năm nhất CRPS)
Khai giảng tháng 4 cho tân học sinh Nhật (khai giảng đầu tiên offline của học sinh năm nhất CRPS)
Mục tiêu trong 4 năm đại học của bạn là gì? (bằng cấp muốn đạt được hoặc những kiến thức, kinh nghiệm muốn thu được…) 
Mục tiêu trong 4 năm đại học của bạn là gì? (bằng cấp muốn đạt được hoặc những kiến thức, kinh nghiệm muốn thu được…)

Mục tiêu của em từ trước khi sang Nhật là trong 4 năm, em sẽ cố gắng sống một cuộc sống như một sinh viên đại học Nhật bằng việc tham gia các lớp học hay seminar cùng học sinh Nhật, làm thêm baito hay tham gia câu lạc bộ, và cố gắng phát triển bản thân hết sức có thể.

Mục tiêu đầu tiên của em là cố gắng phát triển hết khả năng ngôn ngữ của bản thân như tiếng Anh, tiếng Nhật và có thể là cả tiếng Hàn. Qua hầu hết các lớp ở trên trường, cũng như cuộc sống trong kí túc xá, em có môi trường hoàn hảo để phát triển không chỉ kĩ năng giao tiếp, mà còn cả kĩ năng sử dụng tiếng Anh học thuật, và em được giảng viên cũng như các anh chị Education Support (ES) hay Teaching Assistant (TA) giúp đỡ chỉnh sửa văn phong, từ vựng khá nhiều. Em thực sự tin rằng sau 4 năm khả năng tiếng Anh của mình sẽ phát triển nhiều hơn nữa, và em sẽ cố gắng thi được điểm TOEIC tầm 950 trở lên. Về tiếng Nhật, em có cơ hội được học cùng học sinh Nhật và các lớp bổ trợ tiếng Nhật cho du học sinh học chung khoa với học sinh Nhật, nên em cũng được phát triển khá mạnh. Mục tiêu tiếng Nhật của em sau khi tốt nghiệp là đạt được bằng N1 và Business Japanese, đồng thời cũng đủ khả năng để bản thân có thê viết report  . Mặc dù vậy, vì đầu vào tiếng Nhật của em là lớp tiếng Nhật nâng cao nên em nghĩ học gần hết các lớp tiếng Nhật ở trường em vẫn thiếu chỉ tiêu để tốt nghiệp. Em dự định sẽ học thêm tiếng Hàn ở trường, mặc dù bằng tiếng Nhật nhưng em sẽ cố gắng, và hi vọng trong tương lai lấy được một chiếc bằng bé bé ạ.

Đi ngắm lá đỏ cùng mọi người trong kí túc xá Kyoto cuối năm 2020
Đi ngắm lá đỏ cùng mọi người trong kí túc xá Kyoto cuối năm 2020

Mục tiêu thứ hai của em là tham gia câu lạc bộ nhảy của trường, và từ trước khi sang Nhật em đã đăng kí xin vào câu lạc bộ. Đến bây giờ em đã tham gia clb được khoảng 8 tháng, và em khá chăm chỉ đi tập nên cũng được mọi người may mắn yêu quý ạ. Mục tiêu em sẽ tham gia diễn được hầu hết các sự kiện ở trường ạ. (1/7 là lần thứ 2 em diễn ở trường ạ!)

Mục tiêu thứ 3 của em của em là đi làm thêm ở Nhật ạ. Mặc dù quy định về làm thêm của trường khá là khó vì em đã nhận được tiền hàng thàng từ chính phủ, cuối cùng em vẫn cố gắng sẽ xin đi làm thêm ở thư viện trường. Dự kiến thời gian nộp hồ sơ là cuối tháng 7 và em có thể được bắt đầu làm thêm từ tháng 9, ít nhất hai buổi một tuần. Em nghĩ học sinh Nhật hầu hết mọi người đều đi làm thêm, một phần để có thêm một khoản thu nhập, đồng thời cũng có thêm kinh nghiệm nên em cũng muốn có trải nghiệm giống vậy. Mặc dù đi làm thêm ở ngoài trường có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, độ tuổi hơn nhưng việc học vẫn là mục đích chính của em, nên em cũng sẽ cố gắng tập trung học hết sức có thể ạ.

Mục tiêu cuối cùng của em là được đi làm internship và đi xin việc giống một sinh viên đại học Nhật Bản ạ. Mặc dù quá trình xin việc khá là khó, thậm chí khó đối với cả chính học sinh Nhật, từ những kì thi như Web test, hồ sơ. Hay 2,3 vòng phỏng vấn, kể cả em không đỗ một công ty nào, em vẫn cảm thấy bản thân sẽ học được rất nhiều và trưởng thành hơn, cũng có thể là kinh nghiệm cho tương lai sau này.

Dự định trong tương lai sau khi tốt nghiệp của bạn là gì? 
Dự định trong tương lai sau khi tốt nghiệp của bạn là gì?

Mục tiêu cuối cùng của em là xin việc là làm việc tại Nhật Bản, ở một công ty có chi nhánh ở Việt Nam. Em đã lên kế hoạch đi xin việc năm 3 như một học sinh Nhật, và điều này khá khó vì tiếng Nhật của em chưa thể tốt ngang người bản xứ, nên em cũng sẽ cố gắng học trong 2 năm trước khi bắt đầu xin việc ạ. Đồng thời, em cũng đang cố gắng học càng nhiều tín chỉ nhất có thể trong 2 năm đầu để đến năm 3 em sẽ có thêm thời gian đi thực tập và xin việc ngang học sinh Nhật. Nếu may mắn nhận được một công việc , em mong muốn được làm ở Nhật một vài năm để lấy kinh nghiệm, và hi vọng được luân chuyển công tác về chi nhánh của công ty ở Việt Nam để làm việc ạ.

Ăn Tết Dương trong kí túc xá
Ăn Tết Dương trong kí túc xá
Mặc áo dài ăn Tết dương ở kí túc xá
Mặc áo dài ăn Tết dương ở kí túc xá
 Bạn có kinh nghiệm hay lời khuyên gì muốn chia sẻ với các bạn đang có dự định nộp hồ sơ chương trình CRPS không? 
Bạn có kinh nghiệm hay lời khuyên gì muốn chia sẻ với các bạn đang có dự định nộp hồ sơ chương trình CRPS không?

Em nghĩ yếu tố quan trọng nhất là sự tự tin và niềm tin vào bản thân mình. Đương nhiên, chỉ suy nghĩ và tự mãn rằng bản thân đã ổn hoàn toàn sẽ không mang đến kết quả mình mong muốn. Để có thể tự tin về bản thân mình, mình cần lên kế hoạch rõ ràng, những khoảng thời gian deadline của trường hay của chính bản thân đặt ra. Ví dụ, ngày 20 cần phải nộp bài thì mình nên nộp bài đúng ngày 20 hay từ ngày 19, và mình nên làm dàn ý bài, lên ý tưởng từ ngày bao nhiêu, viết xong draft 1 ngày bao nhiêu, draft 2 ngày bao nhiêu và khi nào nhờ người proof read bài của mình. Mình cũng nên dư dả thời gian để có thể đọc lại bài và tìm ra những sai lầm của bản thân.

Viết luận apply của Nhật khá khác với apply các trường đại học ở Mỹ hay Anh, bởi em nghĩ mình không nên viết dài dòng mà nên đi thẳng vào vấn đề, đặc biệt từ những vấn đề mình quan tâm hay những điều mình chia sẻ về bản thân đều nên chứng minh và nhấn mạnh tại sao mình hợp với trường, trường hợp mình và trường nên chọn mình thay vì học sinh khác.

Nếu qua được vòng 1 và được phỏng vấn thì nên nói rõ những điểm mình hợp trường và trường cần mình một lần nữa, đồng thời nói rõ kế hoạch của mình, và học thuộc bài luận của mình. Học thuộc ở đây không phải là nhớ tưng từ từng chữ, mà nhớ những ý, points mà mình đã nhắc đến trong bài, lí do mình đã viết ra những ý đó và những kiến thức xung quanh bài luận đó. Điều này rất quan trọng vì khi phỏng vấn vì người phỏng vấn sẽ hỏi nội dung của bài luận, nhằm xác nhận bản thân mình có phải người viết không và mình có thực sự hiểu những gì mình viết không.

Phỏng vấn cần luyện rất nhiều, và tất nhiên không chỉ những câu hỏi bài bản mà đôi khi có cả những câu mình sẽ không ngờ đến. Bởi vậy ngoài chuẩn bị list những câu hỏi, mình cũng nên nắm chắc những thông tin kiến thức về bản thân hay những gì mình quan tâm, chẳng hạn những chính sách của Nhật hay Việt Nam và sự tương đông giữa chúng, nếu có liên quan đến bài luận của bản thân.

Nếu cố gắng sẽ luôn nhận được kết quả xứng đáng, nhưng cũng đừng cố quá. Một ngày trước và ngày phỏng vấn hãy dành thời gian nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc. Trong quá tình ngủ, bộ não sẽ sắp xếp và lọc những thông tin cần thiết cho mình, nên không ôn một ngày cũng sẽ không thể quên được thông tin.

Không phải nội dung buổi thuyết trình, nhưng là một điều có thể khá quan trọng với các giám khảo người Nhật hoặc những người làm việc tại Nhật, đó chính là đừng quên cười thật tươi lúc phỏng vấn. Điều này sẽ tạo ấn tượng tốt và cảm giác thoải mái hơn rất nhiều trong buổi phỏng vấn, và đã có hiệu quả trong lần phỏng vấn của mình!

Mọi người cùng chụp ảnh trước kí túc xá
Mọi người cùng chụp ảnh trước kí túc xá

 

<2021036>

"Nếu bạn thích bài viết này, hãy "like" trên Facebook. Chúng tôi sẽ thông báo tới bạn thông tin các sự kiện và hội thảo."