•    
  •   

VĂN PHÒNG VIỆT NAM

RITSUMEI VIỆT NAM

Phỏng vấn sinh viên: Kinh nghiệm đỗ học bổng MEXT - chuyên ngành CRPS, Đại học Ritsumeikan

Hội thảo Online Tháng 4: Kinh nghiệm xin học bổng MEXT cho Community & Regional Policy Studies Major

Trong những năm gần đây học bổng MEXT dành cho chuyên ngành Community & Regional Policy Studies (CRPS) của trường Đại học Ritsumeikan đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các bạn học sinh, sinh viên đến từ Việt Nam.

Bạn Nguyễn Thu Nga (Chuyên ngành CRPS – năm 2) là một trong những ứng cử viên xuất sắc đã giành được học bổng danh giá MEXT cho chuyên ngành CRPS vào năm 2019.

Cùng tìm hiểu xem bạn Nga đã chuẩn bị những gì trong hành trình nộp hồ sơ và phỏng vấn để đạt được kết quả tuyệt vời này nhé. Bạn Nga cũng chia sẻ cảm nghĩ về trường, giáo viên, cũng như môi trường sống tại Nhật Bản với tư cách là 1 sinh viên quốc tế. Hy vọng rằng, các bạn sẽ học hỏi và tham khảo được thật nhiều thông tin bổ ích từ bài chia sẻ của bạn Nga nhé.

1. Hồ sơ dự thi:

1) Chứng chỉ tiếng Anh: IELTS 5.5/ TOEFL iBT 71/ TOEIC L&R 730 trở lên. Đây là điểm tối thiểu để được coi là đủ điều kiện apply, tuy nhiên để tăng khả năng đỗ thì theo mình IELTS nên được tầm 6.5 - 7.0 trở lên và tương đương với các chứng chỉ khác. Tuy nhiên không phải cứ IELTS cao là đảm bảo đỗ mà còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố khác trong bộ hồ sơ.

2) 1 thư giới thiệu: thư này xin của thầy cô nào cũng được, nhưng nên xin của thầy cô mà bạn đã gắn bó trong khoảng thời gian đủ dài và hiểu được tính cách, trình độ cũng như điểm mạnh, điểm yếu của bạn. Tất nhiên nhờ được các thầy cô càng có uy tín thì càng tốt ^^

3) 3 bài luận, 2 bài đầu 400 từ, bài cuối 600 từ. 2 bài luận đầu tiên có chủ đề khá chung chung, hỏi về lý do tại sao bạn chọn ngành này tại trường Ritsumeikan và kể về một trải nghiệm của bạn mà có liên quan tới ngành này. Cá nhân mình nghĩ vì câu hỏi khá chung chung nên nếu bạn viết cũng chung chung và nông cạn như mình thích văn hóa Nhật, mình thích cơ sở vật chất của trường nên mình chọn học tại trường thì sẽ khó gây được ấn tượng với giam khảo giữa hàng trăm ngàn bài luận khác tương tự như vậy. Hãy tìm hiểu kỹ về mục tiêu đào tạo, tầm nhìn của trường, spirit, slogan của trường, những điều trường đã làm được trong quá khứ và mục tiêu hướng đến của trường trong tương lai, v.v và liên hệ bản thân và trải nghiệm của bản thân với những điều đó. Rất nhiều người đi trước có để lại lời khuyên rằng các trường đại học Nhật không chủ trương chọn người giỏi nhất, mà họ chọn người phù hợp nhất. Vì vậy, bạn phải thể hiện trong bài luận rằng bạn có những tố chất phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường, và bạn là người mà trường tìm kiếm. Bài luận cuối là một bài luận hơi chuyên môn, về một vấn đề xã hội đang đối mặt mà bạn có hứng thú. Đây có thể coi là một bài kiểm tra của trường về khả năng nghiên cứu, tìm kiếm và chọn lọc thông tin từ nhiều góc nhìn của thí sinh, là một kỹ năng cơ bản cực kỳ cần thiết khi vào học ngành này. Để viết được bài này thì bạn nên bỏ công sức và thời gian tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn, nhiều khía cạnh để tạo nên một bài nghiên cứu hoàn chỉnh.

4) Học bạ THPT: khi apply mình đang học kì 1 lớp 12 nên đã dùng bảng điểm lớp 10, 11 và kì 1 lớp 12. Cũng giống như chứng chỉ tiếng Anh, điểm càng cao càng tốt, nhưng không phải là yếu tố quyết định. Theo mình điểm GPA trên 9 là một mức điểm đủ an toàn. Ngoài ra cũng cần giấy cam kết sẽ tốt nghiệp cấp 3 đúng hạn do trường cấp.

5) Chứng chỉ hoạt động xã hội & chứng chỉ tiếng Nhật: hai cái này không ảnh hưởng nhiều đến kết quả xét tuyển, tuy nhiên nếu có thì càng tốt.

Sau khi xét vòng hồ sơ thì sẽ đến vòng phỏng vấn.

2. Chia sẻ kinh nghiệm:

Nếu muốn ngay sau khi tốt nghiệp là đi du học ngay cùng năm với các bạn học đại học ở nhà như mình thì muộn nhất là giữa kì 1 lớp 12 bạn phải hoàn thành các chứng chỉ cần thiết để tháng 12 bắt đầu nộp hồ sơ. Không có yêu cầu cụ thể về việc phải nộp đợt nào để được trường xét tiến cử học bổng MEXT, nhưng nếu đợt 1 họ đã lấy đủ số lượng thì đợt 2 sẽ không lấy nữa, vì vậy mình nghĩ tốt nhất mọi người nên apply đợt 1. Mọi người cũng nên thi chứng chỉ sớm hơn dự kiến khoảng 2, 3 tháng để nếu kết quả không như mong đợi thì vẫn còn cơ hội thi lại. Và một lưu ý quan trọng là ngày thi chứng chỉ bắt buộc phải trước ngày trường mở đợt nộp hồ sơ (VD trường mở ngày 9/12 – 17/12 thì bạn bắt buộc phải thi chứng chỉ trước ngày 9/12), nếu không chứng chỉ của bạn sẽ không được chấp nhận và bạn phải đợi đợt sau, có thể bỏ lỡ rất nhiều cơ hội mà chỉ đợt đầu mới có.

 

Về vòng phỏng vấn, có vài lưu ý quan trọng sau:

- Đúng giờ. Người Nhật rất coi trọng chuyện giờ giấc, và họ đã mail báo cho mình về thời gian ca phỏng vấn của mình trước khoảng 1 – 2 tuần nên việc bạn muộn giờ (dù chỉ 1 phút) là không thể chấp nhận được. Nên thử test đường truyền, tín hiệu, webcam, sạc pin máy tính đầy đủ, có phương án dự phòng trong trường hợp mất điện, mất mạng hoặc máy tinh hỏng trong 2 ngày cuối trước khi phỏng vấn để giảm thiểu tối đa rủi ro.

- Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ được yêu cầu. Bên trường sẽ yêu cầu mình giơ passport hoặc giấy tờ tùy thân cho họ check trước khi phỏng vấn nên hãy chuẩn bị trước cẩn thận chứ đừng để lúc phỏng vấn lại đi tìm thì rất mất thời gian và ảnh hưởng đến tâm lý.

- Đọc kĩ bài luận của mình trước khi phỏng vấn, nhất là bài 3. Ngoài những câu chung chung như giới thiệu điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, lý do chọn trường, chọn ngành học, giám khảo cũng sẽ hỏi một vài câu liên quan tới bài luận và hướng giải quyết mà bạn nghĩ tới cho vấn đề mà bạn nói trong bài.

3. Review về trường và chương trình học:

Lớp học ít người, hầu như sẽ được tổ chức theo dạng discussion, đồng thời cũng có rất nhiều bài tập nhóm, thuyết trình và tranh biện xuyên suốt kì học. Trường cũng có rất nhiều chương trình giúp học sinh định hướng và phát triển bản thân, nhưng quan trọng hơn cả là tạo điều kiện để học sinh toàn trường và cựu học sinh giúp đỡ và chia sẻ lẫn nhau, như chương trình trao đổi ngôn ngữ giữa sinh viên người Nhật và người ngoại quốc, giúp sinh viên ngoại quốc nâng cao vốn tiếng Nhật và sinh viên người Nhật nâng cao vốn ngoại ngữ. Sinh viên của ngành CRPS hầu hết là sinh viên quốc tế, đến từ rất nhiều quốc gia trên toàn thế giới, vì vậy việc trao đổi ý kiến để xây dựng bài học cũng được đóng góp từ nhiều góc nhìn hơn. Ngành CRPS tuy mới được đưa vào giảng dạy chưa lâu nhưng đây là một trong những chương trình mà mình cảm thấy có nội dung hấp dẫn nhất, giúp mình tìm hiểu thêm về sự đa dạng trong văn hóa và xã hội của nhiều quốc gia. Trường cũng có liên kết với rất nhiều trường đại học lớn trên thế giới và luôn tạo cơ hội, hỗ trợ sinh viên đi trao đổi, thực tập hoặc apply cao học ở các quốc gia khác.

Bên cạnh đó, dù là ngành học bằng tiếng Anh nhưng sinh viên cũng phải hoàn thành tối thiểu 12 tín chỉ tiếng Nhật và có thể học lên cao theo mong muốn, và các cô dạy tiếng Nhật thì siêu siêu dễ thương ^^

4. Review về giáo viên:

Có cả giáo viên người Nhật và giáo viên người nước ngoài. Giáo viên luôn tạo điều kiện để sinh viên phát triển bản thân đến mức tối đa. Sinh viên có thể gặp trực tiếp giáo viên sau giờ học hoặc gửi mail trao đổi về những vấn đề trong học tập, yêu cầu sự giúp đỡ, hay đôi khi là những chia sẻ bên lề về văn hoá, xã hội, phong tục của các quốc gia khác nhau. Nhìn chung các thầy cô đều khá thân thiện, cởi mở và thoải mái. Một số bạn không quen với phát âm tiếng Anh của người Nhật có thể cảm thấy các thầy cô người Nhật phát âm hơi khó nghe ban đầu, nhưng lâu dần sẽ quen và hầu hết các thầy cô phát âm khá tốt. Về điểm số, mỗi thầy cô đều có những tiêu chí khác nhau nhưng đều sẽ có hai tiêu chí cơ bản là chất lượng bài tập và sự chăm chỉ (nộp bài đủ, đúng hạn, không bỏ tiết …) và hầu hết điểm của các thầy cô đều không quá khắt khe.

5. Review về môi trường sống:

Hiện tại mình đang ở KTX của trường, cách trường khoảng 20 phút đi bộ. Giá thuê hơi cao so với mức sống chung, khoảng 60,000 yên/tháng (đã bao gồm điện, nước) nên hầu như mọi người sẽ chuyển ra nhà thuê sau 1 năm. Bù lại việc sống trong kí túc xá khiến mình có thêm nhiều bạn bè từ nhiều quốc gia và học hỏi được nhiều điều từ văn hoá nước bạn, được giúp đỡ rất nhiều trong những ngày đầu chân ướt chân ráo tới Nhật cũng như có rất nhiều kỉ niệm vui. Campus của trường ở thành phố Ibaraki, Osaka, một thành phố nhỏ vì thế mức sống cũng không quá cao. Giá mua đồ ăn một tháng rơi vào khoảng 30,000 – 35,000 yên/tháng (cả tự nấu và ăn ngoài, không quá tiết kiệm). Cộng với các khoản khác như tiền đi lại, đi chơi, mua sắm thì mức sinh hoạt 1 tháng rơi vào khoảng 110,000 yên/tháng, nhưng sau này khi mình chuyển ra ngoài thuê nhà thì sẽ giảm đi một chút.

 

Cảm ơn Nga rất nhiều vì đã có một bài chia sẻ rất chi tiết và ‘có tâm’ cho các bạn học sinh tại Việt Nam!

 

Thêm thông tin

Đăng ký nhận hồ sơ ứng tuyển MIỄN PHÍ

Hướng dẫn trực tuyến 1-1 (Miễn phí)

Thông tin cập nhật thường xuyên về các sự kiện

Chương trình bằng kép GLA với Đại học Quốc gia Úc (ANU)

 

<2020040>

"Nếu bạn thích bài viết này, hãy "like" trên Facebook. Chúng tôi sẽ thông báo tới bạn thông tin các sự kiện và hội thảo."