Cuộc phỏng vấn với nhà nghiên cứu: Tôi muốn đóng góp cho nền nông nghiệp Việt Nam bằng “SOFIX”

TS. Tran Quoc Thinh
Nghiên cứu sinh sau Tiến Sĩ – Khoa Khoa học tự nhiên và công nghệ

 Đầu tiên, anh hãy cho biết mình đang làm gì ở Đại học Ritsumeikan? 
Đầu tiên, anh hãy cho biết mình đang làm gì ở Đại học Ritsumeikan?

Tôi tên là Trần Quốc Thịnh-nghiên cứu sinh sau Tiến Sĩ tại Khoa Khoa Học Đời Sống, Đại học Ritsumeikan, Nhật Bản. Tôi tốt nghiệp tại đại học Okayama Nhật Bản và chuyển lên đại học Ritsumeikan làm việc được 2 năm.

 Tại sao anh lại du học Nhật Bản? 
Tại sao anh lại du học Nhật Bản?

Tôi từng có cơ hội đến Nhật Bản theo chương trình trao đổi sinh viên trong 10 ngày năm 2010. Lúc đó tôi nhận thấy môi trường học tập/nghiên cứu ở đây rất tốt. Về văn hóa và ẩm thực, tất nhiên Nhật Bản có nét rất riêng, nhưng cảm thấy chút gì tương đồng với Việt Nam. Hơn nữa, tôi nhận nhiều lời khuyên và chia sẻ từ nhiều thầy, cô, và bạn bè đang học tập tại đây. Quan trọng nhất vẫn là con người Nhật Bản rất mến khách và lịch sự. Do đó, tôi quyết định chọn Nhật Bản để trau dồi kiến thức khoa học và đời sống tại đây.

 Vậy anh đang nghiên cứu gì? 
Vậy anh đang nghiên cứu gì?

Tôi nghiên cứu về Khoa Học Đất Nông Nghiệp tại Đại học Okayama, Nhật Bản. Trong khi là sinh viên Thạc Sĩ và Nghiên Cứu Sinh tại đại học Okayama, tôi tập trung nghiên cứu nguồn phân lân (phốt pho) mới trong đất. Trong vòng 2 năm gần đây, tôi tập trung nghiên cứu về tính chất Sinh, Hóa, và Lí của đất nông nghiệp theo định hướng hữu cơ tại Đại học Ritsumeikan. Chúng tôi nghiên cứu để cải thiện chất lượng đất tốt nhất theo hướng hữu cơ từ đất đã thoái hóa lâu năm tại Nhật Bản. Thêm nữa, chúng tôi cũng nghiên cứu tạo ra một loại đất hữu cơ nhân tạo tốt nhất từ nhiều nguồn vật liệu tại Nhật Bản.

 Anh có thể nói chi tiết hơn về SOFIX được không? 
Anh có thể nói chi tiết hơn về SOFIX được không?

Bên cạnh làm việc tại phòng nghiên cứu tại nhà trường, tôi cũng tham gia nghiên cứu tại Tổ chức xúc tiến nông nghiệp SOFIX. Vậy SOFIX là gì? SOFIX viết tắt của cụm từ “Soil Fertility Index” nghĩa là “Chỉ tiêu của độ phì nhiêu đất”. Kĩ thuật SOFIX được phát triển bởi Giáo sư Motoki Kubo (sếp của tôi hiện tại) tại trường Đại học Ritsumeikan. Kĩ thuật SOFIX dùng để chẩn đoán sức khỏe của đất nông nghiệp bằng cách phân tích các tính chất sinh-hóa-lí và chuyển hóa vật chất trong đất. Trong đó, chỉ tiêu liên quan đến vi sinh vật trong đất được chú trọng nhất. Sau khi phân tích đất bằng kĩ thuật SOFIX, đất được xếp loại theo các mức khác nhau để đưa ra một phương pháp cải thiện bằng các nguyên vật liệu hữu cơ phù hợp. Ngoài ra, các nguồn nguyên liệu hữu cơ (phân hữu cơ, phế phẩm nông nghiệp hữu cơ) cũng được phân tích, đánh giá, và xếp loại. Cuối cùng, chúng tôi sẽ tư vấn về cách cải thiện đất tốt hơn theo hướng hữu cơ. Cho tới nay, với kĩ thuật SOFIX chúng tôi đã phân tích và tư vấn gần 7.000 mẫu đất nông nghiệp và nguyên vật liệu hữu cơ cho rất nhiều công ty nông nghiệp, nông dân, trang trại tại Nhật Bản.

Giáo sư Kubo, khoa Khoa học về sự sống
Giáo sư Kubo, khoa Khoa học về sự sống
 Có những thách thức gì trong việc mở rộng SOFIX tại Việt Nam? 
Có những thách thức gì trong việc mở rộng SOFIX tại Việt Nam?

Trong thời gian qua, Giáo Sư Kubo đã được mời đến Việt Nam để giới thiệu kĩ thuật SOFIX cho một số công ty và Viện Nghiên Cứu tại Việt Nam. Chúng tôi cũng phân tích một số mẫu đất ở Việt Nam. Để tránh tình trạng suy thoái đất do nền nông nghiệp hóa học, thì SOFIX cần được áp dụng để phân tích tình trạng đất ở Việt Nam càng sớm càng tốt. Nhưng để áp dụng kĩ thuật này vào Việt Nam thì đối mặt nhiều khó khăn nhất định. Thứ nhất, chi phí về việc đầu tư trang thiết bị máy móc phân tích và vận hành tương đối lớn. Thứ hai, cần có sự đồng hành/hỗ trợ của nhà nước và viện nghiên cứu cho phát triển nông nghiệp bền vững bằng cách áp dụng kĩ thuật SOFIX. Thứ ba, phổ biến việc cải thiện chất lượng đất là cần thiết tới cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hiện tại, chúng tôi cũng đang thảo luận với Viện Khoa Học Nông Nghiệp về việc giới thiệu kĩ thuật SOFIX về Việt Nam. Chúng tôi hi vọng xây dựng bản đồ chất lượng đất và vùng nguyên liệu hữu cơ tại tất cả các vùng ở Việt Nam, từ đó chúng ta dễ dàng hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ bền vững.

 Cuối cùng, hãy cho chúng tôi biết về ước mơ và mục tiêu trong tương lai của anh. 
Cuối cùng, hãy cho chúng tôi biết về ước mơ và mục tiêu trong tương lai của anh.

Cũng đã 6 năm học tập và làm việc tại Nhật Bản, một đất nước không những riêng tôi mà có nhiều người mong muốn sống và làm việc tại đây lâu dài. Điều kiện để nghiên cứu ở Nhật Bản có thể nói tốt hơn so với ở Việt Nam. Nhưng tôi vẫn mong muốn trở về Việt Nam sớm để đóng góp một ít kiến thức cho sự phát triển nông nghiệp. Hiện tại, có nhiều tổ chức/doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm tới Việt Nam, tôi hi vọng có thể kết nối họ tới Việt Nam để cùng nhau phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, tôi cũng hỗ trợ hết sức trong việc đưa kĩ thuật SOFIX về Việt Nam trong thời gian tới. Sinh ra trong một nhà nông, học nông nghiệp thì ước mơ tôi mong muốn giúp người nông dân Việt Nam có sinh kế tốt bằng chính nông nghiệp.

<2019048>

"Nếu bạn thích bài viết này, hãy "like" trên Facebook. Chúng tôi sẽ thông báo tới bạn thông tin các sự kiện và hội thảo."